Từ một nguyên mẫu nhà ở mô-đun đến một phòng tập yoga chống thảm họa, tạp chí Dezeen đã tổng hợp 10 kiến trúc sử dụng tre, vật liệu xây dựng cổ xưa theo những cách mới và khác thường.
Sau khi bị bỏ rơi bởi sự lên ngôi của bê tông và thép ở thế kỷ 20, tre đang ngày càng được tích hợp vào các công trình hiện đại do tính nhẹ nhàng và linh hoạt của nó.
Do tốc độ sinh trưởng nhanh, vật liệu sinh học này có giá cả phải chăng, tái tạo nhanh chóng và có thể cô lập một lượng lớn carbon từ khí quyển.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu cho biết sức mạnh của tre có thể giúp nó thay thế bền vững các loại cốt thép truyền thống cũng như tạo ra những cấu trúc có khả năng chống lại các thảm họa thiên nhiên như động đất và bão.
“Tôi nghĩ rằng tre sẽ thay thế các vật liệu khác và trở thành ‘thép xanh’ của thế kỷ 21”, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa chia sẻ với Dezeen.
Cùng chiêm ngưỡng 10 kiến trúc tre ấn tượng sau đây:
1- The Arc / Ibuku
Phòng tập thể dục The Arc được cấu tạo từ những vòm tre cao 14 m và kết nối với nhau bằng các tấm lưới chống đàn hồi được uốn cong. Đây là dự án mới nhất nằm trong khuôn viên của ngôi trường tư nhân Green School ở Bali, Indonesia, do công ty kiến trúc Ibuku thiết kế. Công trình này thể hiện giải pháp thiết kế mới bằng tre và trở thành điển hình cho cấu trúc nhẹ hoàn toàn trong xây dựng. Nhờ đó, tạp chí Dezeen gọi The Arc là “công trình kiến trúc chưa từng có” trên thế giới.
2- Mái che “Impression Sanjie Liu” / LLLab
Công ty kiến trúc Illab đã thiết kế canopy (mái che) tại địa điểm diễn ra buổi trình diễn ánh sáng “Impression Sanjie Liu” ở Li Giang (Dương Sóc, Trung Quốc). Mái che dài 140 m bằng tre được tạo nên bởi bàn tay của những thợ thủ công địa phương, dường như lơ lửng trong khoảng không khi ngắm nhìn từ xa. Công trình là sự kết hợp tuyệt vời giữa nghệ thuật kiến trúc và cảnh sắc thiên nhiên ngoạn mục của vùng núi đá vôi.
3- Bamboo Sports Hall / Chiangmai Life Architects and Construction
Nhà thi đấu thể thao trở thành điểm nhấn nổi bật của trường quốc tế Panyaden (Thái Lan). Công trình được làm hoàn toàn bằng tre, thiết kế theo hình ảnh hoa sen cách điệu đại diện cho Phật giáo Thái Lan. Nhà thi đấu có giàn tre đúc sẵn dài 17 m không cần gia cố bằng thép, vừa đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn trong xây dựng, còn chịu được gió lốc và động đất thường xuyên xảy ra ở địa phương.
4- Bamboo Pavilion / Zuo Studio
Bamboo Pavilion có diện tích 1.570 m2 do Zuo Studio thiết kế, lấy cảm hứng từ dãy núi trung tâm của Đài Loan (Trung Quốc). Công trình được làm bằng tre Moso và tre Makino, những vật liệu xanh nổi tiếng của Đài Trung, tạo cho du khách cảm giác như đang đi bộ qua một khu rừng tre. Tạp chí Dezeen nhận xét Bamboo Pavilion là “không gian làm thay đổi nhận thức và tầm nhìn của con người về giá trị, tính linh hoạt của tre trong xây dựng”.
5- Bamboo Ring / Kengo Kuma
Kengo Kuma đã mô tả tre là “vật liệu của tương lai” và kết hợp nó với sợi carbon để tạo ra một cấu trúc tự chống đỡ, có độ bền cao, được lắp đặt tại V&A ở Liên hoan Thiết kế London 2019.
Theo Kuma, kiểu xây dựng này có thể giúp tạo ra những tòa nhà có khả năng chống chọi với các thảm họa thiên nhiên như trận động đất ở miền Đông Nhật Bản năm 2011.
“Đây là một vật liệu mới mà chúng tôi có thể cố gắng mang lại cho thành phố,” ông nói.
6- Rising Canes / Penda
Cấu trúc Rising Canes được studio kiến trúc Penda lắp dựng để giới thiệu công trình xây dựng bằng tre theo mô-đun, có thể được sử dụng để tạo thành nhà ở khẩn cấp, khách sạn di động và thậm chí là trọn cả thành phố bền vững cho 200.000 người.
Được trưng bày tại Tuần lễ Thiết kế Bắc Kinh 2015, mẫu thử nghiệm cho thấy các thân cây dọc và ngang được kết nối thông qua các khớp hình chữ X của cùng một loại vật liệu tạo ra các khối lồng vào nhau. Chúng có thể được mở rộng theo mọi hướng, cho phép kiến trúc phát triển cùng với cư dân của nó.
Nhà đồng sáng lập Chris Precht cho biết: “Cấu trúc này có thể phát triển cao lên như những cái cây.”
7- Thread / Toshiko Mori
Thread là một mái che nhấp nhô bao phủ và uốn nếp trên các tòa nhà quét vôi trắng của trung tâm văn hóa trong một ngôi làng ở Senegal, do kiến trúc sư người Nhật Bản Toshiko Mori thiết kế.
Cấu trúc tre linh hoạt của nó giúp tạo ra một sự tái hiện một cách hiện đại, uyển chuyển của mái tranh truyền thống, bao quanh một số sân ngoài trời.
8- Nhà hát Hardelot / Studio Andrew Todd
Nhà hát Hardelot do studio Andrew Todd thiết kế, kết hợp hoàn hảo giữa yếu tố truyền thống và phong cách hiện đại. Tổng thể công trình gợi nhớ đến những ngôi đền Nhật Bản và kiến trúc bằng gỗ châu Âu thời Trung cổ. Đây cũng là tòa nhà đầu tiên ở Pháp sử dụng tre làm vật liệu ốp tường.
9- Nhà hàng Vedana / Võ Trọng Nghĩa
Nhà hàng Vedana là trung tâm của khu phức hợp nghỉ dưỡng Vedana, được xây dựng tại bìa rừng Cúc Phương. Công trình do công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa thiết kế và xây dựng, có chiều cao 16 m và diện tích bằng mái hơn 1.000 m2. Mái vòm 3 tầng của nhà hàng kết cấu từ 36 khung tre, lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống Việt Nam. Đến nhà hàng Vedana, du khách không chỉ chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo, mà còn được tận hưởng không gian xanh của núi rừng.
10- Đền Luum / CO-LAB Design Office
Đền Luum tọa lạc trong khu rừng rậm được bảo tồn thuộc thị trấn ven biển Tulum, Mexico. Công trình bao gồm 5 mái vòm được làm từ những cây tre trồng ở bang Chiapa có khả năng chống chọi với bão nhiệt đới. Đền Luum được sử dụng để tổ chức các sự kiện cộng đồng như hội thảo, thiền, yoga… Dự án là biểu tượng cho sự phát triển bền vững khi kết hợp giữa thiết kế hiện đại và vật liệu hữu cơ truyền thống, đồng thời nâng cao nhận cho người dân để bảo vệ hệ sinh thái xung quanh.